BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ VIỆC CHĂN THẢ GIA SÚC, THẢ RÔNG VẬT NUÔI
Thời gian qua, tình trạng người dân chăn thả gia súc, thả rông vật nuôi ngoài đường và tại những nơi công cộng trên địa bàn phường diễn ra tương đối phổ biến. Tình trạng này không những gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người khác. Nhằm từng bước xây dựng các đô thị xanh, sạch, đẹp và văn minh, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, gìn giữ cảnh quan môi trường công cộng, bảo vệ cây xanh, lập lại trật tự mỹ quan trên địa bàn phường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thả rông gia súc, động vật nuôi ngoài đường, khu vực công cộng.
Để nhân dân biết và chấp hành đúng các quy định của nhà nước về chăn thả gia súc, vật nuôi trong bản tin truyền thanh ngày hôm nay chúng tôi xin giới thiệu một số quy định sau:
1. Một số quy định của Nhà nước đối với chủ nuôi chó, mèo:
Tại Khoản 2 phụ lục 15 Hướng dẫn phòng, chống bệnh Dại động vật
(Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư quy định:
Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi):
- Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
- Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
- Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
- Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
2. Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc chăn thả gia súc, động vật nuôi
STT | Hành vi vi phạm | Căn cứ pháp lý | Mức phạt |
01 | Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng | Điểm b, khoản 1, Điều 7, Mục 1, Chương II, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình | Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng |
02 | Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự | Điểm c, khoản 2, Điều 7, Mục 1, Chương II, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình | Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đồng thời bồi thường cả về tài sản cho người bị thiệt hại |
03 | Để súc vật đi trên đường bộ không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông | Điểm đ, Khoản 1, Điều 10, Mục 1, Chương II, Nghị định số100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt | Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng |
Vậy, UBND phường tuyên truyền đến nhân dân được biết và thực hiện.